Khi trẻ có những hành vi lệch chuẩn

Khi trẻ có vấn đề, có những hành vi ngỗ ngược, nghịch phá như: trêu chọc bạn bè, nói chuyện riêng, không làm bài tập v.v… Phản ứng thông thường của đại đa số các bậc cha mẹ là quát tháo ầm ĩ, dùng các biện pháp đe doạ buộc đứa trẻ phải tuân theo và thường xuyên than thở với mọi người về sự hư đốn của bé trước mặt chúng.

Những phản ứng tiêu cực đó chẳng những không giúp cải thiện tình hình mà còn làm vấn đề trở nên căng thẳng hơn.

Một mặt đứa trẻ cảm thấy bí bức, gò ép, mặt khác khi bạn thường xuyên than phiền với người ngoài về sự không nghe lời của bé trước mặt chúng sẽ dần hình thành những định kiến không tốt về bản thân.

Khi đã nghĩ mình là một đứa trẻ hư, mọi người đang nhìn mình với thái độ không thiện cảm lập tức đứa trẻ sẽ nhụt chí, không muốn cố gắng, buông xuôi.

Thế nên, thay vì lên án trẻ, ép buộc chúng phải làm theo điều này điều kia, bạn hãy tạo điều kiện khích lệ sự hợp tác của trẻ với cha mẹ và thầy cô giáo.

Giải thích vấn đề

Muốn đứa trẻ có thái độ hợp tác, trước hết bạn phải làm cho trẻ hiểu vấn đề. Ví dụ: trẻ hay nói chuyện riêng trong lớp học. Bạn hãy giải thích cho trẻ biết nếu tiếp tục có những hành động như thế thì hậu quả sẽ như thế nào? Ảnh hưởng đến người khác ra sao. Tuy nhiên cũng phải khẳng định rằng, hành động của trẻ là có thể hiểu được. Rằng việc ngay lập tức hoàn toàn không nói chuyện nữa là điều không thể. Nhưng nếu cố gắng trẻ sẽ làm được.

Khích lệ tiềm năng đứa trẻ

Hãy trò chuyện với trẻ để tìm hiểu suy nghĩ, cảm nhận về vấn đề mà trẻ đang gặp phải. Cho trẻ có cơ hội bộc lộ quan điểm, ý kiến về cách giải quyết vấn đề. Trẻ đang dần lớn lên và có những suy nghĩ của riêng mình. Bạn hãy học cách để ý đến ý kiến của trẻ và tôn trọng những điều đó.

Chuẩn bị cho trẻ trước sự thay đổi

Khi trẻ bắt đầu đến trường thường phải đối mặt với rất nhiều sự thay đổi: thay đổi chương trình, đối lớp học, giáo viên, trường v.v… Những sự thay đổi này người lớn thường nghiễm nhiên áp đặt cho trẻ mà không quan tâm đến trẻ sẽ đón nhận nó như thế nào? Suy nghĩ ra sao? Trẻ sẽ thích ứng với sự thay đổi đó như thế nào?

Hãy chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi có sự thay đổi bằng cách thông báo trước, tạo cơ hội để trẻ tham gia thử nghiệm đồng thời đánh giá nhu cầu, xúc cảm, suy nghĩ của trẻ trước những thay đổi đó.

Mỗi đứa trẻ là một tâm hồn non nớt, nhưng điều đó không có nghĩa nó không có gì. Ngày hôm nay bé sẽ khác với ngày hôm qua, bạn hãy chú ý quan sát, theo dõi để có những cách tiếp cận và hướng giáo dục tốt nhất phù hợp với đặc điểm tâm lý theo lứa tuổi của bé.

sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang Những điều nhỏ bé, rất hân hạnh được đọc những lời chia sẻ chân tình của bạn. Chúc bạn luôn thành đạt và hạnh phúc trong cuộc sống.