Trương Định

Trương Định nhân dân còn gọi là Trương Công Định để tỏ lòng tôn kính. Ông sinh năm 1820 tại xã Tư Cung, huyện Tịnh Sơn, tỉnh Quãng Ngãi là con quan Trương Cầm-Lãnh binh tỉnh Gia Định .

Trương Định thuở nhỏ tướng mạo khôi ngô, thông hiểu binh thư, võ nghệ. Đặc biệt là bắn rất tài. Thời Triệu Trị 1844, ông theo cha vào Nam lấy vợ là con gái một hào phú huyện Tân Hoà (nay là Gò Công). khi cha chết ông ở luôn bên quê vợ.

Năm 1854, Trương Định xuất tiền của chiêu mộ dân nghèo, lập đồn điền Gia Thuận. Ông được phong chức Quản Cơ.

Khi giặc Pháp đánh thành Gia Định 2/1859, Trương Định đưa cơ binh gia nhập đội quân của triều đình chống giặc, ông thường đi tiên phong lập được nhiều chiến công. Một trong những chiến công nổi tiếng là phục kích giết chết tên Đại úy Barbe, trừng trị nhiều tên tay sai của giặc Pháp, trong đó có Bá hộ Huy ở Đồng Sơn, tiến công các đồn giặc ở Gia Thạch, Rạch Gầm và nhiều lần đánh đồn Kỳ Hoà. Tháng 3/1862 quân Pháp rút chạy khỏi Gò Công.

Ngày 5/6/1862, triều đình nhà Nguyễn ký hoà ước Nhâm Tuất giao 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và đi nhận chức Lãnh Binh ở An Giang. Nhưng theo yêu cầu của nhân dân và các nghĩa sĩ Trương Định đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu " Bình Tây Đại Nguyên Soái " do dân phong, tiếp tục lãnh đạo các cuộc chiến đấu chống giặc Pháp.

Ngày 20/08/1864 do sự phản bội chủ Huỳnh Văn Tấn căn cứ Trương Định bị bao vây chặt. Trong cuộc chiến đấu không cân sức, Trương Định bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, ông đã dùng gươm tự sát để bảo toàn thanh danh, khí tiết của người anh hùng - khi ấy ông 44 tuổi.

Trương Định là hình ảnh tiêu biểu của nhân dân Gò Công, của nhân dân Nam Bộ bất khuất kiên quyết chống giặc Pháp xâm lược nửa sau thế kỷ thứ 19.

Đầu năm 1861, Pháp tấn công Gia Định lần thứ hai, Quản Định đưa quân đồn điền của mình phối hợp với binh của Nguyễn Tri Phương phòng giữ chiến tuyến Kỳ Hòa. Đại đồn thất thủ, ông lui về Gò Công, hợp cùng Lưu Tiến Thiện, Lê Quang Quyền chiêu binh ứng nghĩa, trấn giữ được vùng Gia Định - Định Tường, được triều đình phong làm Phó lãnh binh. Trương Định tổ chức lực lượng, triển khai kế hoạch tác chiến cả vùng Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn, Đồng Tháp Mười kéo dài đến biên giới Cao Miên (Campuchia). Quân số của Trương Định lên tới 10.800 người.

Đầu năm 1862, Pháp đánh chiếm Biên Hòa, nhưng gặp phong trào đấu tranh chống Pháp phát triển, tướng Bonard phải lui ở nhiều điểm chiếm đóng. Tuy vậy, triều đình Huế đã ký điều ước Nhâm Tuất 1862 cắt ba tỉnh miền đông Nam bộ cho Pháp, thăng Trương Định chức Lãnh binh và ra lệnh bãi binh. Nghĩa quân yêu cầu Trương Định ở lại chỉ huy cuộc kháng chiến, suy tôn ông làm Bình-Tây-đại nguyên-soái, lấy Gò Công làm bản doanh, xây dựng các căn cứ địa kháng chiến. Ông thẳng thừng từ chối thư dụ hàng của Bonard, bất chấp chiếu vua ra lệnh bãi binh do Phan Thanh Giản truyền vào. Bonard xin thêm viện binh từ Pháp và từ Trung Quốc chuẩn bị đánh úp Trương Định thì ngày 16/12/1862, Trương Định đã ra lệnh công kích vào các vị trí quân Pháp ở 3 tỉnh miền Đông, đẩy Pháp vào tình thế lúng túng, bị động. Tháng 2/1863, nhờ có viện binh, Pháp phản công Biên Hòa, Chợ Lớn, bao vây Gò Công. Sau khi kháng cự quyết liệt, ngày 28/2/1863, Trương Định lui quân về Phước Lộc, Biên Hòa và vùng cửa sông Xoài Rạp.

Tháng 9/1863, Lagrandière sang thay Bonard, mở cuộc càn quét thứ hai, bắt được vợ con và một số tùy tùng của Trương Định, song Trương Định vẫn không nao núng.

Ngày 19/8/1864, quân Pháp do tên nội phản Huỳnh Công Tấn dẫn đường tấn công bộ chỉ huy Trương Định. Ông quyết tử chiến. Bị thương , ông rút gươm tự sát để khỏi rơi vào tay giặc. Sự hy sinh của Trương Định đã để lại trong lòng nhân dân và các sĩ phu yêu nước vô vàn niềm tiếc thương và kính trọng. Con ông là Trương Quyền, kế nghiệp cha, lên vùng Châu Đốc phối hợp với nghĩa quân Campuchia do Pu Côm Bô lãnh đạo, cùng chiến đấu chống Pháp, đặt nền tảng cho liên minh chiến đấu chống Pháp của hai dân tộc Việt - Miên.

Lăng mộ: Năm 1864, sau khi Trương Định tuẫn tiết, bà Trần Thị Sanh (vợ thứ Trương Định) đã nhận thi hài của ông mang về an táng rất trọng thể. Mộ được làm bằng hồ ô dước, trên bia mộ khắc: "ĐẠI NAM AN HÀ LÃNH BINH KIÊM BÌNH TÂY ĐẠI TƯỚNG QUÂN TRƯƠNG CÔNG HÚY ĐỊNH CHI MỘ", nhưng nhà cầm quyền Pháp tại Gò Công ra lệnh đục bỏ hàng chữ "Bình Tây Đại Tướng Quân" và phạt bà Trần Thị Sanh 10.000 quan tiền vì lập bia trái phép. Năm 1874, bà Sanh đứng đơn xin lập mộ cho chồng. Mộ xây bằng đá hoa cương cùng với 3 bức hoành phi và 6 trụ đá ghi lại thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Trương Định. Một lần nữa, các hoành phi và trụ đá bị đục bỏ. Ngôi mộ trở nên hoang phế trong thời gian Pháp thuộc bởi sự cấm đoán và dòm ngó của mật thám. Năm 1964, Gò Công tái lập tỉnh, để thu phục nhân tâm, chính quyền cũ đã xuất công quỹ tu bổ ngôi mộ khang trang như ngày nay. Đền thờ: Xây dựng năm 1972 do ông Cung Tất Mai làm Trưởng ban dựa theo bản vẽ của kỹ sư Nguyễn Ngọc Thiệt.

Đền thờ: xây dựng theo kiến trúc Đông phương vừa cổ kính, vừa tân thời với các án thờ, khuôn biển chạm trổ sơn son thiếp vàng. Ngày 18-7 (al) năm 1973, lễ khánh thành Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định diễn ra rất trọng thể và trang nghiêm.

Sau ngày miền Nam giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gò Công đã đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo di tích.

Để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng dân tộc Trương Định, hàng năm vào ngày 19, 20 tháng 8 dương lịch, Thị xã Gò Công tổ chức trọng thể lễ hội tưởng niệm với các nghi lễ chính: Lễ rước linh (Thỉnh ông); Lễ Tiên thường và Chánh tế; Lễ Dâng hương của chính quyền địa phương cùng các hoạt động văn hóa với mục đích hướng về cội nguồn tưởng nhớ công đức tiền nhân.

(sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang Những điều nhỏ bé, rất hân hạnh được đọc những lời chia sẻ chân tình của bạn. Chúc bạn luôn thành đạt và hạnh phúc trong cuộc sống.