Trần Hưng Đạo

Vị tổng chỉ huy cuộc kháng chiến chống bọn xâm lược Nguyên Mông hồi cuối thế kỷ XIII là Trần Hưng Đạo. Trận quyết chiến Bạch Đằng do ông chỉ đạo. Lực lượng tập trung ở chiến trường này gồm nhiều đội quân chủ lực do Nguyễn Khoái, Phạm Ngũ Lão và Hưng Trí Vương Hiến (con của Trần Hưng Đạo) chỉ huy. Nhưng sử sách cũng chỉ ghi có thế, để tập trung vào việc tường thuận diễn biến trận đánh, tôn vinh thắng lợi rực rỡ của quân ta. Chính sử không thể ghi - và cũng không có nhiệm vụ ghi một cách cụ thể - việc quân và dân ta đẵn gỗ như thế nào, đóng cọc dưới lòng sông ra sao. Ai là người trực tiếp theo dõi việc thực thi nhiệm vụ nặng nề ấy?

Người nghiên cứu sưu tầm thành tích chiến đấu của quân đội nhà Trần trên chiến trường Bạch Đằng, nếu có điều kiện tiến hành nhiều cuộc điều tra thực địa, chắc có thể trả lời phần nào câu hỏi trên đây. Tất nhiên không thể bảo đảm hoàn toàn chính xác, vì đây là dã sử, là truyền thuyết, nhưng chắc là có cái "lõi lịch sử" nhất định. Thực vậy, nếu ta về Hàng Kênh, huyện An Dương (nay là quận Lê Chân, Hải Phòng) và đến thăm đền Từ Vũ, sẽ được nghe những câu chuyện mách cho ta những tín hiệu liên quan đến vấn đề này.

Đền Từ Vũ thờ một vị thần họ Vũ. Tại đền, còn lưu giữ được một bản thần tích có nhan đề là "Phúc Thần Vũ công phả ký", kể chuyện về người dũng sĩ này. Ông xuất thân từ một gia đình lao động, quen với sông nước và có được học tập chữ nghĩa. Biết chữ, ông hay tìm đọc sách vở, nhất là loại binh pháp binh thư. Ông lại có một thói quen đặc biệt, hay đi chơi trên bộ, dạo thuyền dưới nước và đi đến đâu cũng ghi chép tên núi, tên sông, tên khe, tên vực, rồi trở về cặm cụi vẽ thành một bản đồ.

Vào những năm đầu của thập kỷ 80, thế kỷ XIII, ông xin gia nhập quân ngũ, được Trần Hưng Đạo tin dùng làm tả hữu, giữ chức chỉ huy sứ. Khi Trần Hưng Đạo chủ trương mở trận Bạch Đằng, tráng sĩ này đã xin nhận công việc quan sát địa hình, vì ông vốn quê quán ở đây, lại thành thạo nghề sông nước. Ông đã dâng lên Trần Hưng Đạo một bản đồ cụ thể, đánh dấu rõ những điểm cao, chỗ thấp, khúc sâu, khúc nông của quãng sông Bạch Đằng dự kiến làm nơi chiến đấu. Tiếp đó, ông được chủ tướng giao cho việc đem số lính bản bộ và các đội dân quân, chở cọc ra đóng giữa dòng sông.

"Phúc Thần Vũ công phả ký", ghi chép rõ tên ông là Vũ Trí Thắng, được thăng chức Điện tiền đô chỉ huy sứ sau khi đánh tan giặc, bắt sống Ô Mã Nhi. Lúc già, ông trở về quê, còn có công trong việc xây dựng làng xóm. Nhân dân An Dương lập đền thờ gọi là đền Từ Vũ, hương khói đến tận bây giờ.

Chắc chắn trường hợp Vũ Trí Thắng không phải là trường hợp độc nhất. Trên hai bờ Bạch Đằng giang, và trên nhiều địa điểm trong vùng, hiện có nhiều đền thờ Trần Hưng Đạo và các tướng lĩnh quê ở địa phương. Tra cứu các thần tích, thần phả, tham dự các hội hè, tế lễ ở những nơi ấy, nhất định có thể tìm thấy nhiều người khác nữa.

(sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang Những điều nhỏ bé, rất hân hạnh được đọc những lời chia sẻ chân tình của bạn. Chúc bạn luôn thành đạt và hạnh phúc trong cuộc sống.