Thận trọng khi dùng viên thuốc sủi

Do thuận lợi trong cách dùng, thuốc sủi là một trong nhưng thứ thuốc khá được ưa chuộng, thậm chí bị lạm dụng. Vì vậy ta cần biết một số kiến thức cơ bản mà nhà sản xuất đã quy định khi dùng loại thuốc này.

Thuốc sủi là một dạng bào chế đặc biệt nhằm tạo ra sự hấp dẫn và dễ chịu khi đưa thuốc vào cơ thể.

Trong viên thuốc sủi, ngoài thành phần chính là dược chất như bất kỳ một viên thuốc nào khác, còn có độn thêm nhiều chất khác không có tác dụng điều trị, mà giới chuyên môn gọi là tá dược vì vậy thuốc bao giờ cũng có kích cỡ lớn.

Các tá dược chứa trong viên thuốc bao giờ cũng gồm có một chất tạo sủi, đó là natri bicacbonat, có tính kiềm, nên khi gặp chất có tính axit như vitamin C (axit ascorbic) hòa trong nước sẽ tạo thành phản ứng hóa học thành muối ăn và các bọt khí CO2.

Trong viên thuốc sủi còn được phối chế các chất tạo màu và tạo hương như hương chanh, hương cam, với mục đích tạo thành một thứ đồ uống giải khát thông thường, có đường để có vị ngọt. Tác dụng này đã gây một hiệu ứng tâm lý khá tốt, nhất là đối với trẻ em.

Nhưng đã là thuốc thì không sao tránh khỏi các tác dụng không mong muốn, vì vậy khi dùng thuốc cần lưu ý:

- Cần phải dùng cả viên thuốc và hòa tan hoàn toàn trong một cốc nước đun sôi để nguội. Có thể cho thêm vài viên đá để tạo cảm giác mát lạnh. Đợi cho viên thuốc tan hết mới dùng.

- Sau khi lấy một viên thuốc ra khỏi bao gói, thì số còn lại, phải được bảo quán kín, tránh ẩm để khỏi mất tác dụng.

- Cần để thuốc chỗ cao, xa tầm tay của trẻ, để tránh chúng dùng vô tội vạ tự ý dùng khi bố mẹ đi vắng.

- Đối với viên sủi UPSA C, ngoài lượng 1.000 mg vitamin C còn có 283 mg muối ăn, được hình thành sau phản ứng sủi bọt, nên không dùng cho người suy thận, những người kiêng ăn muối (tăng huyết áp).

- Đối với UPSA C calcium hay viên calcium sadoz forte do có chứa thêm thành muối khoáng canxi 500 mg, ngoài lượng muối ăn được hình thành sau phản ứng sủi. Các loại viên này vì vậy không được dùng cho người bị canxi cao trong máu, nước tiểu có nhiều cặn sỏi hay bị bệnh sỏi thận.

- Tác dụng phụ của viên sủi rất hiếm xảy ra, nếu có thì cũng nhẹ nhàng, chẳng hạn bị ì ạch do nhiều hơi trong bụng, bị táo bón hay tiêu chảy.

- Cần lưu ý là không dùng viên thuốc sủi sau khi đã uống các loại nước giải khát có gas.

Dược sĩ PHAN QUỐC ĐỐNG
Theo Sức khỏe đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang Những điều nhỏ bé, rất hân hạnh được đọc những lời chia sẻ chân tình của bạn. Chúc bạn luôn thành đạt và hạnh phúc trong cuộc sống.