Hãy để nhân viên lên tiếng

Thông tin và giao tiếp nội bộ luôn được coi là yếu tố sống còn của bất kỳ công ty nào. Nếu nhân viên của bạn được quyền nói những gì họ nghĩ, họ cảm thì chắc chắn họ sẽ cảm thấy thoải mái và hứng khởi hơn trong công việc. Mọi người cũng gần gũi nhau hơn.

Ngược lại, khi các kênh giao tiếp và thông tin nội bộ bị “nghẽn mạch”, nhân viên luôn cảm thấy họ dường như không được bỏ rơi, bị coi thường, bị đẩy ra ngoài dòng chảy của các hoạt động chung. Họ không còn cảm thấy hứng thú với công việc việc của mình kéo theo năng suất làm việc cũng suy giảm. Dần dần, họ sẽ đánh mất niềm tin vào doanh nghiệp, thậm chí, bạn có thể phải chuẩn bị đối phó với những cuộc bãi công, đình công của các nhân viên bất mãn.

Là một ông sếp khôn ngoan, bạn nên biết tiếp thu ý tưởng và những lời phàn nàn từ phía nhân viên, khuyến khích nhân viên gặp gỡ, nói chuyện, chia sẻ khúc mắc hoặc tìm kiếm thông tin.

Trước tiên, hãy tự hỏi rằng liệu nhân viên của bạn có cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với bạn không? Cách tốt nhất để xác minh điều này là nhìn vào số người dừng lại ở cửa văn phòng của bạn. Họ là những nhân viên thuộc đủ mọi cấp bậc trong công ty? Họ đến văn phòng của bạn thường xuyên không?

Nếu chỉ những nhân viên trụ cột hoặc các giám đốc dưới quyền mới “dám” xuất đầu lộ diện để nói chuyện với bạn thì có nghĩa là mối quan hệ với nhân viên của bạn đang có vấn đề.

Ngoài ra, hãy để ý đến những thắc mắc từ phía nhân viên, tích cực, tiêu cực hay cả hai, loại nào nhiều hơn,… Liệu những phản hồi của nhân viên có thật lòng không, họ có giấu diếm điều gì?

Nếu cảm thấy việc giao tiếp giữa mình với nhân viên đang bị hạn chế, bạn hãy mời ngẫu nhiên một nhóm người thuộc các phòng ban khác nhau và ở những cấp bậc khác nhau đến văn phòng của bạn, phòng họp hay một không gian rộng rãi nào đó. Bạn hoặc có thể tự đề ra những nội dung chính cho những buổi họp này và đề nghị những người được mời đóng góp thông tin.

Bạn cũng có thể tổ chức các buổi họp mở để cho nhân viên thảo luận những chủ đề mà họ lựa chọn và đặt câu hỏi cho bạn. Hoặc bạn hãy hướng chủ đề chính của các buổi họp vào những vấn đề quen thuộc như tinh thần làm việc, lương bổng, năng suất, lợi ích, cơ hội nghề nghiệp và những điều tương tự như vậy.

Cho dù với chủ đề nào và lối tiếp cận nào, bạn cũng đừng quên “tụ tập” nhân viên để ăn uống, vui chơi một bữa thật thân tình. Sự thân thiện giúp mọi người thành thật với nhau hơn. Để nhân viên hiểu rằng họ luôn được chào đón, và bạn thì luôn sẵn sàng lắng nghe.

Một ý tưởng khác là tổ chức những buổi gặp mặt lớn hơn vào mỗi tháng hay mỗi quý và bạn hãy mời toàn bộ nhân viên trong công ty tham gia. Các câu hỏi được đặt trực tiếp hoặc viết ra giấy và gửi trước (dạng câu hỏi này có thể được ưu tiên khi nhân viên muốn giấu tên).

Chỉ cần bỏ chút thời gian để thường xuyên gặp gỡ nhân viên, lắng nghe thắc mắc và đánh giá của họ, sau đó đáp lại với một sự trân trọng, bạn sẽ xây dựng được một không khí thân thiện mà bạn đang nỗ lực để tạo ra, một không khí mang thông điệp: “Tôi thích thú với những gì các bạn nói” và “Bạn có thể tin rằng tôi là một nhà quản lý luôn biết lắng nghe những mối bận tâm của các bạn và sẽ giải quyết chúng đến nơi đến chốn”.

(sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang Những điều nhỏ bé, rất hân hạnh được đọc những lời chia sẻ chân tình của bạn. Chúc bạn luôn thành đạt và hạnh phúc trong cuộc sống.