Bí quyết chế các món lẩu

Vào những ngày mùa đông lạnh giá, nhất là những bữa liên hoan cuối năm, không gì thú bằng việc cùng bạn bè, người thân quây quần quanh nồi lẩu nóng hổi, thơm ngon, vừa trò chuyện, vừa thưởng thức.

Nguyên liệu và sơ chế

Cũng như bất kỳ món ăn nào khác, điều cần quan tâm trước tiên là phải chọn được nguyên liệu thật tươi ngon và vệ sinh.

Sau đó, với mỗi loại lẩu, các bà nội trợ phải lựa chọn những nguyên liệu khác nhau. Chẳng hạn: Lẩu hải sản cần có: cá, mực tươi, cà chua, dưa, chuối xanh, khế chua, rau cải, rau cần, hành tây, dấm... Còn nếu muốn làm lẩu thịt thập cẩm, bạn nên chọn mua: tim lợn, thịt bò, thịt gà, cà chua, bầu dục, giò sống, rau ngổ, hành tây, cần tỏi tây, rau mùi, rau thơm...

Muốn nấu nồi lẩu thập cẩm ngon, lại cần ít nhất các thứ như: tim bầu dục, thịt bò, mực, tôm to, lươn lọc bỏ xương, thịt gà, giò sống, rau ngổ, hành tây, cần tỏi tây, cà chua, xà lách...

Lẩu thường nhúng tái ăn ngay nên đa số các nguyên liệu cần được thái mỏng, to bản (cả thịt lợn, gà, bò...). Tuy nhiên, với cá cần thái dày một chút vì nếu mỏng quá miếng cá dễ nát, không ngon. Hay các nguyên liệu như tim, bầu dục cũng nên thái dày nhưng khía cạnh để khi ăn không bị khô xác

Chế biến nước dùng và sử dụng gia vị khi nấu lẩu

Lẩu muốn ngon điều đầu tiên phải có nước dùng ngon.

Mỗi món lẩu cần loại nước dùng khác nhau: Lẩu thập cẩm chế nước từ xương lợn, bò, gà. Nước lẩu hải sản được nấu từ đầu, đuôi, xương cá, đầu đuôi tôm...

Quy tắc chung để đun nước dùng là cho xương vào đun sôi nhanh (nếu đun âm ỉ nước bị chua) đến 90 độ thì hạ bớt lửa cho sôi từ từ đến lúc sôi hẳn mới đun ở mức nhỏ nhất, làm sao để nước dùng trong, thơm và có vị ngọt tự nhiên.

Về gia vị cho vào nước dùng

Nếu nấu lẩu thịt, thập cẩm: cần có gừng, sả, nấm hương khô, hành khô, sa tế, dầu hào.

Còn với lẩu hải sản, các bà nội trợ phải làm sao cho nồi nước dùng nổi được vị chua, cay, mặn ngọt. Có thể dùng me, tai chua, giấm, quả dứa... để tạo vị chua và ớt, sa tế, dầu hào, dầu vừng... tạo vị cay.

Nước lẩu đun xong, trước khi dùng nhúng các nguyên liệu để ăn cần phải được lọc trong, loại bỏ hết xương, các mẩu vụn gia vị.

Sử dụng gia vị khi ăn lẩu

Mỗi loại nguyên liệu thường ăn kèm với gia vị khác nhau. Chẳng hạn: Với lẩu thập cẩm: Thịt vịt ăn cùng xì dầu, tương có thể dùng cho thịt bò, đậu phụ, thịt dê, thịt bê... Tim cật chấm nước mắm nguyên chất ngon. Còn lẩu thập cẩm thì tôm, cá có thể chấm sốt mayone, tương ớt... Một số gia vị như bột canh muối ớt, mắm tỏi ớt có thể dùng cho nhiều loại nguyên liệu khác nhau.

Ăn lẩu cũng phải đúng cách

Lẩu xuất phát từ Trung Quốc, phía bắc gọi là Cù Lao (với nghĩa giữa là ống, xung quanh là nước và thức ăn, mọi người ngồi bao thành vòng tròn, quá trình ăn là quá trình làm chín món ăn).

Theo nguyên tắc, khi ăn lẩu mỗi người có một bộ dụng cụ riêng gồm bát, đũa, thìa, đồ để nhúng và ai muốn ăn gì có thể tự chọn, tự phục vụ và thưởng thức theo ý thích của mình (tái, chín hay chín nhừ...).

Món lẩu phù hợp nhất là ăn trong phòng lạnh, vào mùa đông, ở không gian yên tĩnh, ấm cúng để mọi người có thể cùng trò chuyện.

Muốn ăn lẩu ngon cần có rượu kèm theo. Mỗi loại lẩu hợp với một loại rượu: ví dụ vang trắng hợp khi ăn lẩu hải sản, vang đỏ khi ăn lẩu các loại thịt.

Theo VnExpress

3 nhận xét:

  1. Chào BT! Mình đã add logo của T rồi nhé. Chúc ngày nghỉ thật vui :)

    Trả lờiXóa
  2. hì..hì...nấu nướng thì tôi đây...dốt đặc, nhưng mà thưởng thức thì cũng có tí "đẳng cấp". Thôi thì không được ăn nhưng đọc bài này ăn.."tưởng tượng" cũng đỡ..thèm.
    À, mà tôi thì không có trao đổi link với ai vì cũng có tí lý do riêng. Lúc trước tôi có một blog tiếng Việt cũng có tí..tên tuổi và giao lưu với các bạn ở Việt Nam rất thân thiết. Nhưng rồi sau một thời gian có vài kẻ khốn nạn cứ vào các chat box của tôi và một vài bạn khác chửi bới tục tỉu hằng ngày. Các bạn trong cộng đồng blogger Việt Nam chỉ có vài người lên tiếng còn đa số đều sợ những tên đó vào quấy rối blog của họ nên không ai đoàn kết để tẩy chay chúng.
    Chán nản vì mỗi ngày phải xóa đi xóa lại những câu chửi tục nên tôi mới bỏ đi viết blog bằng tiếng Anh và từ đó không muốn trao đổi link với ai nữa.
    Bọn Tây thì không rảnh để đi viết chửi bậy trên blog người khác nên tôi thấy thoải mái hơn. Vì bạn mới vào "nghề" viết blog nên chưa gặp phải những kẻ khốn kiếp đó thôi (mong bọn chúng đừng vào viết bậy trên blog của bạn).
    Theo ý kiến của tôi thì bây giờ cách tốt nhất xây dựng cộng đồng cho riêng mình thì bạn nên tham gia vào bloglog tại địa chỉ: http://www.mybloglog.com . Bạn sẽ build được traffic rất nhanh với nhiều blogger Việt Nam và ngoại quốc mà không sợ ai quấy rối bạn.
    Đó là ý kiến riêng của tôi thôi, nếu bạn không thích thì coi như tôi chưa bao giờ viết gì cả nhé!

    Trả lờiXóa
  3. @NLG : Cám ơn anh,anh cũng vậy nha.
    @VnBloggerus : Anh không trao đổi cũng không sao, em vẫn để link anh được chứ?! Em mới tập tành làm trang này chơi cho vui, chưa quan tâm đến traffic, chỉ là sưu tầm những gì hay hay để thi thoảng đọc lại thôi. Em thấy ở các trang mà em đã xem và đặt link liên kết có nội dung lành mạnh và bổ ích. Em nghĩ anh có thể chọn trang lành mạnh, lịch sự để trao đổi được mà. Chúc anh luôn vui nha.

    Trả lờiXóa

Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang Những điều nhỏ bé, rất hân hạnh được đọc những lời chia sẻ chân tình của bạn. Chúc bạn luôn thành đạt và hạnh phúc trong cuộc sống.