Nhân viên trẻ đối đầu

Chắc bạn còn nhớ câu chuyện về hai chú gấu nhờ cáo phân chia hộ chiếc bánh. Vì nhất định phải chia 2 phần bằng nhau mà con cáo khôn ngoan đã nẫng được cả chiếc bánh của 2 chú gấu. Cuộc sống công sở đôi khi cũng chỉ vì thiếu một chút “nhún nhường” mà người ta đánh mất những sức mạnh không ngờ.

Hiệu ứng của “critical thinking”

“Những cuộc họp nhóm, họp tổ bao giờ cũng kết thúc bằng những trận chiến tay đôi không có cách nào phân xử. Tất cả mọi người ngao ngán, còn họ, sau khi không ai chịu ai lại rút về ốc đảo của riêng mình. Chẳng có vấn đề gì được giải quyết cả mặc dù họ là 2 thành viên ưu tú nhất trong số chúng tôi”. Đây là những lời lẽ phàn nàn rất thật của một cô gái làm lập trình viên tên Nga, công ty TNHH Phương Minh về hai đồng nghiệp của mình. Tuấn và Trọng đều là những người rất thông minh và sáng tạo. Tuy nhiên, lúc nào họ cũng coi nhau như đối thủ, chẳng ai chịu nhường ai bao giờ.

Các giảng viên nước ngoài thường giảng dạy cho SV kinh tế một khái niệm gọi là “critical thinking” (tư duy phê phán). Hà Phương, làm việc cho một công ty chứng khoán, nhận thức rõ rằng, những nhân viên cùng lứa như cô, nếu đã đi học ở các nước Tây Âu thường có những biểu hiện xông xáo hơn, chủ động hơn nhiều đối với môi trường mới mà họ làm việc. Họ thậm chí thắc mắc cả về mức lương của trưởng phòng hiện nay chênh lệch như thế nào với nhân viên trẻ như họ.

“Đó là một điều rất đáng để học hỏi, nhưng tôi cũng nhận ra rằng nếu trong phòng của công ty có nhiều hơn một người như vậy thì vấn đề lại khó giải quyết. Tư duy phê phán của họ quá mạnh, và họ không cho phép ai lấn át mình”, Hà Phương cho biết. Có lẽ đó cũng là lý do mà các thầy giáo, hoặc các trưởng phòng nhân sự Việt Nam không yêu cầu SV và nhân viên của mình đề cao quá mức “critical thinking”.

Những nhân viên Việt Nam sống với nhau còn bằng tình cảm và sự chia sẻ. Tư duy phê phán đôi khi có thể là con dao hai lưỡi. Một mặt nó kích thích cạnh tranh và sáng tạo, mặt khác, nó giết chết sự thông cảm và cô lập cá nhân con người.

Ranh giới : Không thể chia sẻ

“Từ khi vào công ty, tôi âm thầm nhận ra một ranh giới giữa tôi và Tùng. Không phải là chúng tôi ghét nhau. Nhưng cái “tôi” cá nhân của tôi và cậu ấy đều quá lớn. Chúng tôi có thể cùng đi với cả phòng, cùng vui vẻ chúc rượu nhau, nhưng trong công việc thì chỉ chọn kết luận của một người. Hoặc là kế hoạch của tôi được chấp nhận, hoặc là sáng kiến của Tùng”, Dũng, nhân viên phòng Dự án và phát triển Công ty viễn thông GTE.Ltd tâm sự.

Tùng không khẳng định những điều như Dũng nói, cậu chỉ cho rằng đó là cạnh tranh lành mạnh. Nhưng những gì Tùng muốn là để Dũng hiểu: cách làm của Dũng sai, chắc chắn sai!

Dĩ nhiên, dự án cũng sẽ xong vì sếp bao giờ cũng phải đóng vai trò là người “cầm cân nảy mực”. Tuy nhiên, mỗi khi một trong hai người bị phản đối ý kiến, họ cảm thấy suy sụp và bất cần. Họ trở về với vẻ lầm lì và không nói chuyện với ai. Họ tham vọng và như những con ngựa bất kham.

Cái nôi của sức mạnh vô hình

Một nhà nghiên cứu người Mỹ đã đưa ra con số 71% viên chức tuổi 20-35 ở Mỹ làm việc cật lực là để cạnh tranh với một đồng nghiệp cùng công sở, hoặc cùng ngạch kinh doanh. Không đếm được hết có bao nhiêu cơ quan xuất hiện những cặp “tay đôi” như thế.

Đức Quang, Giám đốc nhân sự Công ty gốm Việt An, khẳng định: “Có những cặp nhân viên như thế là có cơ hội phát triển, miễn là những người quản lý nhân sự và đồng nghiệp biết cộng hưởng họ với nhau và tìm ra sức mạnh ưu việt nhất”. Sếp bao giờ cũng phải là người xoá đi những ranh giới giữa 2 “quan nhất phẩm” trong cùng một lãnh thổ.

Vào một buổi chiều, khi mà Tùng lần đầu tiên lui tới cabin của Dũng và đưa ra một đề nghị: “Cà phê không?” thì có nghĩa là, sự đối đầu của họ bước đầu đã nhạt đi. Mặc dù, họ chưa hẳn đã bắt tay chặt chẽ và đoàn kết. Nhưng một khi hai cái đầu “đáng giá” đang ghé lại gần nhau, một sức mạnh vô hình cho sự phát triển của công ty được cất cánh.

(sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang Những điều nhỏ bé, rất hân hạnh được đọc những lời chia sẻ chân tình của bạn. Chúc bạn luôn thành đạt và hạnh phúc trong cuộc sống.