Ngày an toàn

“Những ngày an toàn” là khoảng thời gian nào trong chu kỳ kinh? “Ngày an toàn” là khoảng thời gian nào, trước hay sau ngày có kinh bao nhiêu ngày ? Làm sao để xác định được ngày an toàn?...

Đó là những câu hỏi rất thường gặp về phương pháp tránh thai dựa trên chu kỳ kinh nguyệt. Hãy tham khảo thêm bài viết của Bác sĩ Đào Xuân Dũng – Chuyên khoa II, Sản phụ khoa – để hiểu rõ hơn về phương pháp này.

- Tính những ngày an toàn của chu kỳ kinh để tránh thai là một trong những phương pháp dựa trên hiểu biết về sinh lý sinh sản.

Từ lâu người ta đã biết người phụ nữ chỉ có thể thụ thai được trong một số ngày của vòng kinh, đó là những ngày quanh thời điểm phóng noãn (thường gọi là rụng trứng). Ở những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều thì thời gian phóng noãn thường ổn định trong các vòng kinh; khoảng thời gian noãn tách ra khỏi buồng trứng (12-16 ngày trước kỳ kinh tới) và thời gian có khả năng thụ thai rất ngắn, chừng 10 - 24 giờ (có người cho rằng lâu hơn), quá thời gian đó noãn dù còn tồn tại trong vòi trứng cũng không có khả năng thụ tinh được.

Vì noãn chỉ sống được 1 ngày trong vòi trứng kể từ khi được giải phóng ra khỏi buồng trứng cho nên muốn được thụ tinh thì tinh trùng phải có mặt quanh thời gian phóng noãn vì tinh trùng có thể sống được 3 ngày trong cơ quan sinh dục nữ, nhưng càng phải chờ đợi lâu mới gặp được noãn để thụ tinh thì hình như chất lượng tinh trùng cũng kém đi.
Trên cơ sở những hiểu biết nói trên, người ta có thể xác định thời kỳ an toàn. Nếu như noãn chỉ sống được từ 10-24 giờ sau khi tách khỏi buồng trứng và tinh trùng cũng chỉ có thể thụ tinh cho noãn khi đã ở trong bộ phận sinh dục nữ không quá 48-72 giờ (2-3 ngày) thì đối với những phụ nữ có vòng kinh đều đặn 28 ngày chỉ cần tránh giao hợp từ ngày thứ 10 đến ngày thứ 17 kể từ ngày đầu của kỳ kinh.

Với những phụ nữ có vòng kinh thất thường (không đều) thì việc tránh thai theo phương pháp trên (còn gọi là phương pháp Ogino-Knauss) dễ bị thất bại.

Vậy với những chu kỳ kinh không đều thì khó khăn nhất là phải xác định chính xác thời điểm rụng trứng. Chỉ có thể xác định được ngày rụng trứng với độ chính xác tương đối và phải theo dõi nhiều dấu hiệu sau: hàng ngày ghi lại nhiệt độ cơ thể và theo dõi sự bài tiết chất nhầy của cổ tử cung, kết hợp tính ngày rụng trứng dựa trên độ dài của những chu kỳ kinh nguyệt trước đây.

Hiện tượng rụng trứng là do những thay đổi về cân bằng hormon chi phối sự ra kinh hàng tháng. Bản thân sự cân bằng hormon này rất dễ bị phá vỡ do những stress trong đời sống (buồn, thất vọng, lo hãi…), do đó sự rụng trứng có thể xảy ra một cách bất thường. Không có cách nào dự đoán chính xác, những phương pháp dự đoán chính xác nhất cũng có thể lầm lẫn.

Vậy nên thực hành phương pháp dựa vào tính toán ngày an toàn như thế nào ? phương pháp này có hiệu quả khi cặp vợ chồng cùng có hiểu biết, có ý thức tránh thai cao, biết sử dụng những phương pháp tránh khác trong những ngày không an toàn. Chỉ dựa vào độ dài của những chu kỳ kinh nguyệt trước đây để tính toán ngày rụng trứng của kỳ kinh này là phương pháp đem lại ít hiệu quả nhất vì mỗi chu kỳ kinh chịu ảnh hưởng khác nhau của các yếu tố bên ngoài, không liên quan gì đến độ dài của các chu kỳ kinh trước.

Phương pháp theo dõi nhiệt độ cơ sở của cơ thể là phương pháp có hiệu quả nhất so với các phương pháp tính thời gian an toàn, nhất là khi kết hợp theo dõi nhiệt độ với theo dõi sự thay đổi chất tiết ở cổ tử cung.

Những nguyên nhân thất bại khác của phương pháp tính thời gian an toàn ?

Ngoài những nguyên nhân thất bại do các chu kỳ kinh nguyệt không đều, do không hiểu biết và (hoặc) không thực hiện nghiêm chỉnh sự kiềm chế trong những ngày không an toàn, còn có thể do:

Rụng trứng hơn một lần trong chu kỳ kinh nguyệt: sự giao hợp không gây ra rụngtrứng vì không làm thay đổi diễn biến tự nhiên của chu kỳ hóc-môn, tuy nhiêncũng có một số ý kiến cho rằng giao hợp có thể gây rụng trứng nhất là ở những người trẻ. Vì vậy phương pháp tính thời gian an toàn có thể dễ thất bại ở người kinh nguyệt không đều và còn trẻ.
Xuất tiết âm đạo nhiều được coi là bắt đầu thời kỳ an toàn: thật ra chỉ có xuất tiết ở cổ tử cung mới có giá trị chẩn đoán rụng trứng, âm đạo xuất tiết nhiều có thể do viêm nhiễm hoặc do hứng khởi tình dục.

Giao hợp lần đầu không thể có thai: vì ý nghĩ sai lầm này mà nhiều thanh thiếu niên đã không biết tự kiềm chế hoặc tự bảo vệ bằng cách sử dụng các phương pháp tránh thai nên đã dẫn đến hậu quả có thai khi chưa mong muốn. Bất cứ em gái nào khi đã hành kinh, dù chu kỳ kinh có đều hay không, đều có thể có thai khi giao hợp lần đầu (cần biết rằng 55% chu kỳ kinh ở các em gái vị thành niên không có phóng noãn nhưng vẫn còn 45% chu kỳ kinh có phóng noãn và đó là nguyên nhân dẫn đến có thai ở tuổi vị thành niên cũng như có thể nhiễm HIV ngay lần đầu giao hợp với người đã nhiễm HIV).

Theo Tuổi Trẻ Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang Những điều nhỏ bé, rất hân hạnh được đọc những lời chia sẻ chân tình của bạn. Chúc bạn luôn thành đạt và hạnh phúc trong cuộc sống.