Mạc Đĩnh Chi - Lưỡng Quốc Trạng Nguyên

Mạc Đĩnh Chi (1272-1346), tự là Tiết Phu, người làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Khi Mạc Đĩnh Chi sinh ra, tướng mạo vô cùng xấu xí: lùn, đen, mồm rộng, mũi tẹt, trán dô. Người làng thường bảo đó là con khỉ tinh nghiệm vào. Nhưng ông lại rất thông minh, ngay từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng. Đời Trần Anh Tông, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304), ông đi thi, văn bài làm trội hơn mọi người nhưng vì mặt mũi xấu xí nên nhà vua không muốn cho ông đỗ. Ồng bèn dâng bài “Ngọc Tỉnh Liên Phú” (bài phú: Sen trong giếng ngọc) để nói lên cái phẩm giá thanh cao của mình. Trong bài phú có những câu như:

…Phi đào lý chi thô tục; phi mai trúc chi cô hàn
Phi tăng phòng chi cẩu kỷ; phi Lạc thổ chi mẫu đơn
Phi Đào lệnh đông ly chi cúc; phi linh quân cửu uyển chi lan
Nãi thái hoa phong đầu ngọc tỉnh chi liên….

Nghĩa là:

Chẳng phải như đào trần, lý tục; chẳng phải như trúc cỗi, mai gầy
Cẩu kỷ phòng tăng khó tránh; mẫu đơn đất Lạc nào bì
Giậu Đào lệnh cúc sao ví được; vườn Linh quân lan sá kể gì
Ấy là giống sen giếng ngọc ở đầu núi Thái Hoa vậy!…

Vua xem xong bài phú, tỏ ý rất cảm phục, liền cho Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên. Về sau ông làm tới chức tả bộc xạ (thượng thư) và là ông quan thanh liêm, được nhân dân rất yêu mến.

Có lần Mạc Đĩnh Chi phụng mệnh vua dẫn đầu đoàn sứ giả nước Đại Việt sang sứ nhà Nguyên bên Tàu. Đã một lần biết tiếng trạng nguyên nước Việt, người xấu xí nhưng ứng đối như thần, bọn quan lại nhà Nguyên vẫn muốn thử tài quan trạng. Tuy đã có hẹn trước với người Tàu ngày mở cửa ải, bất ngờ hôm ấy trời lại mưa, Mạc Ðĩnh Chi sai hẹn, hôm sau tới cửa ải Phong Lũy thì người Tầu đóng kín không cho vào.

Một vế đối được thả theo dây buộc xuống thách đối lại, nếu không đối được sẽ không mở cửa ải. Vế đối như sau:

Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan

Nghĩa là:

Qua cửa ải trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan.

Vế đối chỉ có mười một chữ, nhưng hiểm ở chỗ có tới bốn chữ "quan", còn chữ "quá" được nhắc tới ba lần. Đây hẳn là câu đối được chuẩn bị khá kĩ từ trong triều nhà Nguyên, chứ không phải viên quan trấn ải nghĩ ra được. Nếu không đối được thì quá bẽ mặt, chỉ còn cách cả đoàn sứ ra về, nhục quốc thể. Mạc Đĩnh Chi nghĩ một lát rồi ứng khẩu:

Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối”.

Nghĩa là:

Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, mời tiên sinh đối trước.

Vế đối lại dùng mười một chữ, cũng dùng tới bốn chữ "đối" trong vế, còn chữ "tiên" được nhắc 2 lần. Ý đối chỉnh và người đối lại rất nhanh, lại có thể hiện sự nhún nhường.

Bọn quan coi ải vô cùng kinh ngạc vì tài ứng đối, vội ra lệnh mở cửa và bày nghi lễ đón tiếp trọng thể sứ đoàn Đại Việt.

Tới kinh đô, Mạc Đĩnh Chi được vời vào diện kiến hoàng đế nhà Nguyên. Vua Nguyên vốn kiêu căng, tự cho mình là thống lĩnh trái đất, tự ví mình như mặt trời đỏ. Để trấn áp quan trạng Việt Nam và tỏ ý coi thường nước Đại Việt nhỏ bé, hoàng đế Nguyên đọc một câu đối (do triều thần soạn sẵn), đòi trạng Việt phải đối lại:

“Nhật: hỏa; vân: yên; bạch đàn thiên tàn ngọc thỏ”.

Nghĩa là: Mặt trời (là) lửa, mây (là) khói; ban ngày đốt cháy vầng trăng.

Mạc Đĩnh Chi hiểu rõ dụng ý kẻ cả nước lớn và cả mục đích đe dọa của vua Nguyên. Cần phải khẳng định ý chí của Đại Việt và sức mạnh quật cường của Đại Việt, quan Trạng ứng khẩu đọc vang:

“Nguyệt: cung; tinh: đạn; hoàng hôn xạ lạc kim ô”.

Nghĩa là: Trăng (là) cung, sao (là) đạn; chiều tối bắn rơi mặt trời).

Vế đố lại thật giỏi về nghĩa về chữ. Lại thấy trăng lưỡi kiềm như cánh cung, những vì sao tròn như viên đạn, đây là sự hình dung thật tuyệt. Song, hay hơn cả là vế đối tỏ rõ sức cứng rắn của người nước Việt, không lời đe dọa nào làm cho run sợ, sẵn sàng đối phó với kẻ thù.

Vua tôi nhà Nguyên nhìn nhau, lòng đầy thán phục. Hoàng đế sai mang lụa và vàng bạc tặng thưởng Mạc Đĩnh Chi, rồi nói:

- Có một bài thơ của sứ thần của ta mà vua nước Nam không hiểu nổi, phải nhờ đến ngươi mới xong, chẳng hóa ra vua nhà Trần dốt nát chăng?

Mạc Đĩnh Chi cười ầm lên, rồi chắp tay cung kính đáp:

- Tâu hoàng thượng! Giải nghĩa một bài thơ nhỏ là phận của kẻ bầy tôi, chứ đâu phải là công việc của bậc cao tôn như vua nước tôi.

Vua Nguyên cảm phục tài và đức, bỏ qua những đố kị với nhà Trần. Khi hết nhiệm vụ sắp về nước, Mạc Đĩnh Chi được vua Nguyên đích thân phê bút phong “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên”.

Các giai thoại đi sứ :

Năm Mậu Thân, 1308, ông được cử cầm đầu phái bộ sứ giả sang nhà Nguyên, mừng việc Nguyễn Vũ Tông lên ngôi. Có một mẩu chuyện thú vị đã xẩy ra trong chuyến đi sứ này của ông, được sách "Đại Việt sử ký toàn thư" ghi lại như sau:

"Đĩnh Chi thấp bé nên người Nguyên khinh ông. Một hôm, viên tể tướng mời ông vào phủ, cho cùng ngồi. Lúc ấy, đang hồi tháng 5 tháng 6. Trong phủ có treo bức trướng mỏng, trên thêu hình con chim sẻ đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ làm như mình nhầm tưởng là chim sẻ thật rồi chạy đến bắt. Người Nguyên thấy vậy cười ồ, cho là người phương xa quê mùa. Bất thình lình, Mạc Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống xé đi. Mọi người lấy làm lạ, hỏi tại sao, Đĩnh Chi đáp rằng: Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ chứ chưa hề thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay bức trướng của tể tướng lại có hình chim sẻ đậu cành trúc. Trúc là biểu tượng của bậc quân tử, chim sẻ là biểu tượng của kẻ tiểu nhân, Tiểu tướng làm như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo đạo tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy, tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân vậy. Mọi người nghe vậy đều phục tài ông".

Đĩnh Chi tuy người thấp bé mà tài cao, đi sứ không làm nhục mệnh vua, một lòng canh cánh lo gìn giữ quốc thể, thật là đáng kính. Những kẻ ngạo mạn cười ồ khi Đĩnh Chi vờ bắt chim sẻ, sau khi nghe Đĩnh Chi giải thích việc làm của mình, không biết họ có hiểu chính họ bị Đĩnh Chi nói xỏ là lũ tiểu nhân hay không. Xé bức trướng xong lại nói vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân, có lẽ Đĩnh Chi muốn ngầm bảo rằng, sao mà thánh triều lắm tiểu nhân đến vậy.

Mạc Đĩnh Chi nổi tiếng về tài ứng đối nhanh. Ông được cử đi sứ Tàu nhằm lúc công chúa nhà Nguyên chết nên theo dự lễ tang. Triều đình nhà Nguyên trao ông vinh dự đọc điếu văn đã soạn sẵn trong buổi lễ. Tới chừng lên đọc, giở tờ giấy ra chỉ thấy 4 chữ nhất, Mạc Đĩnh Chi biết người ta muốn thử tài mình, ông không hề bối rối, ứng khẩu luôn bài văn điếu, nguyên văn như sau:

Thanh thiên nhất đoá vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chi hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!

Tạm dịch:

(Một) cụm mây trên trời xanh
(Một) đốm tuyết cạnh lò hồng
(Một) cánh hoa nơi vườn ngự
(Một) mảnh nguyệt dưới ao trong
Ôi! Mây tan, tuyết chảy,
hoa rụng, nguyệt mờ!

Đoàn sứ Đại Việt được nghỉ mấy ngày để đi thăm phong cảnh. Mạc Đĩnh Chi dành thời gian đi thăm hỏi nhân dân Tống và tỏ ý cảm thông với nỗi nhục của người dân mất nước, bị kẻ xâm lăng đô hộ. Mạc Đĩnh Chi và đoàn sứ đang cưỡi lừa đi thăm phố xá, thì bỗng lừa của Mạc Đĩnh Chi chạm phải ngựa của viên quan người Tống. Tên quan nhìn Mạc Đĩnh Chi và buông một câu khi thị: Xúc ngã kỵ mã, Đông di chi nhân giả, Tây di chi nhân giả? (Chạm ngựa ta cưỡi, là người rợ phương Đông hay phương Tây?).

Mạc Đĩnh Chi biết rõ tên quan này đã phản dân, cam tâm làm tay sai cho người Nguyên, mà không biết xấu hổ lại còn lấy chữ “Đông di” ở sách Mạnh Tử để cho ta là kẻ mọi rợ, man di! Mạc Đĩnh Chi nhìn thẳng vào mặt tên quan, đáp: Át dư thừa lư, Nam phương chi cường dư, Bắc phương chi cường dư? (Ngăn lừa ta ngồi, hỏi người phương Nam mạnh, hay người phương Bắc mạnh?).

Mạc Đĩnh Chi đã lấy chữ “Nam phương” ở sách Trung Dung để nói rõ thâm ý người phương Bắc chắc gì đã mạnh hơn người phương Nam, nếu mạnh hơn sao lại chịu để cho giặc Nguyên đô hộ? Viên quan người Tống tỏ ý xấu hổ, ra roi cho ngựa đi thẳng!

Thua keo này, bày keo khác, các quan lại nhà Nguyên lại xúm xít đề ra hàng loạt câu đối chiết tự để thách thức Mạc Đĩnh Chi. Nhưng vị trạng nguyên Đại Việt đã chiến thắng áp đảo. Một viên quan nhà Nguyên vẫn cố gỡ gạc, ra một câu đối nữa: Thập khẩu tâm tư, tư quốc, tư gia, tư phụ mẫu. (Ghép chữ thập, chữ khẩu, chữ tâm thì thành chữ tư là lo, lo nước, lo nhà, lo bố mẹ).

Viên quan này vừa đọc xong, Mạc Đĩnh Chi đã đối ngay: Thốn thân ngôn tạ, tạ thiên, tạ địa, tạ quân vương. (Ghép chữ thốn, chữ thân, chữ ngôn thì thành chữ tạ là ơn, ơn trời, ơn đất, ơn vua chúa). Đến lúc này, giới quan lại triều Nguyên chỉ còn biết bày tỏ sự khâm phục trước tài học uyên bác và trí thông minh tuyệt vời của Mạc Đĩnh Chi. Chính viên tể tướng triều Nguyên bày ra cuộc thách đố ác ý này đã không giấu được sự kinh ngạc, phải thốt lên với Mạc Đĩnh Chi:

- Ngài quả là bậc kỳ tài!

Một lần Cụ được nhà vua triệu vào cung cùng nhiều đại thần, danh sỹ. Vua đưa ra một câu đố nói rằng Sứ Tàu bắt ta phải giải, nếu giải được họ sẽ vào trình quốc thư. Không giải được, nhà vua phải đích thân đến tận nhà khách họ đang ở - nghe giải. Đó là yêu sách ngang ngược. Nhưng vì là nước nhỏ không thể làm mếch lòng nước lớn. Vua đòi các quan hãy tập trung giải câu đố. Nội dung câu đố chữ Hán như sau :

Lưỡng Nhật, bình đầu nhật.
Tứ Sơn, điên đảo sơn.
Lưỡng Vương, tranh nhất quốc.
Tứ Khẩu, tung hoành gian.

Các quan cố vắt óc mà không đoán câu thơ kiêm câu đố quái dị kia là cái gì. Rút cục không vị nào hiểu được bài thơ - giải được câu đố. Vua lo lắng quay sang hỏi Cụ Mạc. Cụ vui vẻ bảo : - Tâu thánh thượng, đó chỉ là trò dùng để đố bọn trẻ, đâu để thánh thượng bận tâm.
Vậy nó là cái gì - Vua hỏi.

- Đó là chữ ĐIỀN - Cụ Mạc đáp ngay!

Vốn cũng là người hay chữ, hiểu ra, ngài cười tươi. Các quan trong triều vô cùng cảm phục tài trí thông minh của cụ Mạc. Câu đố dịch nghĩa như sau :

- Hai hình chữ nhất để bằng đầu, sóng hàng nhau .
(Các canh của nó tạo ra chữ Điền).

- 4 trái núi, điên đảo.
(4 chữ Sơn sắp ghép theo 2 chiều, dọc - ngang, cũng tạo thành chữ Điền.)

- Hai ông vua tranh nhau một nước.
(Hai chữ Vương ghép lại trên, dưới - cũng thành chữ Điền).

- 4 cái miệng ở trong khoảng dọc, ngang -
(4 chữ Khẩu ghép lại cũng tạo thành chữ Điền).

Câu đố của sứ thần Tàu là chữ ĐIỀN. Bài thơ giải nghĩa như sau :

Hai Nhật (hình chữ nhật) bằng đầu để sóng hàng.

4 Núi (Sơn) điên đảo dọc cùng ngang.
Hai Vua (Vương) ngiêng ngả lo tranh nước.
4 Miệng (Khẩu) liền nhau ghép vững vàng.

Sứ thần nhận lờì giải với sự ngạc nhiên cảm phục.

(sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang Những điều nhỏ bé, rất hân hạnh được đọc những lời chia sẻ chân tình của bạn. Chúc bạn luôn thành đạt và hạnh phúc trong cuộc sống.