Làm gì khi con trót "mang bầu"?

Khi biết tin con gái "trót dại", đa số cha mẹ đều hoang mang, lo lắng. Nhiều người quan niệm đây là một tội tày đình, một mất mát lớn, và coi đó là một vết nhơ của gia đình. Trong đó, người mẹ thường phải chịu nhiều áp lực hơn cả, bởi lẽ quan niệm "con hư tại mẹ" đã tồn tại nhiều năm trong xã hội...

Nước xa không cứu được lửa gần...

Ngày càng nhiều trường hợp các em gái vị thành niên tìm đến bệnh viện để "giải quyết hậu quả". Nhưng đằng sau sự can thiệp lạnh lùng của bác sĩ là những nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần mà các em phải chịu đựng.

Đêm đã khuya, đầu dây bên kia vang lên tiếng nức nở: "Cô ơi, cháu sợ quá hình ảnh đứa bé luôn ám ảnh cháu... Bác sĩ nói, nó sống được từ đêm đến tận sáng mới chết. Cháu làm sao có thể bếp tục sống hả cô?". Đó chỉ là một trong hàng trăm cuộc điện thoại của các cô gái trong tuổi ô mai đã trót có thai, hoặc vừa đi phá thai gọi điện đến đường dây tư vấn 1088.

Nhiều em quá lo sợ nên tìm mọi cách giấu cha mẹ, đến khi người lớn biết thì mọi chuyện đã quá muộn. 16 tuổi, Thúy yêu người bạn cùng lớp. Tình yêu đó có lẽ cũng sẽ hồn nhiên như bao mối tình học trò khác nếu như mẹ em không ra tay can thiệp. Trước hết, bà gặp cô giáo chủ nhiệm, yêu cầu cô giáo có biện pháp. Tình yêu bị ngăn cản lại càng trở nên mãnh liệt, Thúy và cậu bạn đã trót vượt quá giới hạn...

Đến khi mẹ em biết chuyện thì cái thai đã sang tháng thứ 6. Với bà, đây là một chuyện tày đình, và ngay lập tức bà muốn "phi tang" để giữ gìn danh dự của gia đình. Mẹ Thúy giấu biệt chuyện cô con gái "hư hỏng", bà dắt con vào một bệnh viện tư để "giải quyết hậu quả" cho kín đáo.

Nhiều người mẹ quá hoang mang, lo lắng khi thấy cái thai trong bụng con gái đã quá lớn không phá được nữa, do đó họ đã chọn cách giải quyết êm thấm nhất là: Đưa con đến một nơi thật xa để sinh, sau đó cho đứa trẻ đi làm con nuôi. Việc làm này sẽ được cả gia đình giấu kín để không bị mang tai tiếng về sau. Song với cô con gái thì đó mãi mãi là một mất mát không gì bù đắp được.

Những kẻ "tội đồ"

Sau một tuần nghỉ học, bạn bè thấy Trâm đến lớp trong tâm trạng thất thần, bất an. Sức học của Trâm sút hẳn, em không giao tiếp với bất cứ ai và luôn tỏ ra lo sợ. Cô học trò lớp 9 này vừa trải qua một cơn ác mộng kinh hoàng. Đó là trong những lần đi chát, Trâm đã quen một người lớn hơn 5 tuổi. Cô bé ngây thơ bị choáng ngợp trước sự quan tâm "người lớn" của anh chàng, và đã không ngại ngần gì khi hàng tỏ ý muốn gặp mặt. Trong lần đầu tiên ấy, Trâm đã bị gã họ sở "đưa vào đời" rồi gã bỏ gã đi biệt tăm.

Nỗi đau thể xác và tâm hồn chưa nguôi, Trâm tiếp tục phải chịu đựng thêm một áp lực nữa: Mẹ em phát hiện ra "điều không bình thường" của con gái. Vốn nóng tính, mẹ không cho em giải thích, mà chỉ một mực tra khảo: "Thằng ấy con cái nhà ai? ở đâu? Mày không khai ra tao giết". Kèm theo mỗi câu tra khảo là một cái tát và những câu mắng chửi thậm tệ.

Khốn nỗi, Trâm cũng không biết lai lịch anh chàng kia thì làm sao nói cho mẹ rõ được. Trong mắt mẹ bây giờ, Trâm là một cô bé hư hỏng, đua đòi và bất trị. Không tìm ra ngọn nguồn sự việc, bà lại càng bực mình bơn. Mặc dù vẫn đưa con đi "phá thai", nhưng cơn giận của mẹ Trâm vẫn sùng sục và có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Trâm giống như một cái gai trong mắt mẹ, cô bé tội nghiệp cứ đi học thì thôi, về lại nem nép lo sợ...

Ai cũng biết chuyện Tùng và Thu yêu nhau, tình yêu của hai cô cậu sinh viên này không mấy suôn sẻ vì phụ huynh hai bên "ghét nhau ra mặt". Họ thường đem con cái ra mắng chửi, cấm đoán. Bị phản đối quá nhiều, trong lúc quẫn trí, Tùng rủ Thu trốn vào miền Nam. Họ bị bắt quay trở lại khi chưa kịp lên tàu. Lúc này Thu đã trót "có bầu" với người yêu. Mặc cho hai đứa con khóc lóc, van xin, hai người mẹ vẫn mắng chửi nhau chan chát bằng ngôn ngữ chợ búa. Và kết cục thì mẹ Tùng không chấp nhận đứa con dâu là Thu, với một câu nói xanh rờn: "Ai bảo con bà dại cho bà chết". Mẹ con Thu lúc này mới bừng tỉnh với nỗi nhục nhã, thất bại ê chề...

Ý kiến của chuyên gia tâm lý

Tâm trạng của các bà mẹ khi biết con "trót dại" là đều có thể hiểu và thông cảm được. Con dại cái mang, không ai muốn con mình phải mang tiếng xấu ở đời. Tuy nhiên, khi sự đã rồi thì nên chấp nhận thực tế và bình tĩnh để chọn giải pháp nào "ít mất mát nhất". Phần đông các em gái khi gặp tình huống này thì rất hoang mang, hoảng sợ, nếu các mẹ cũng hành động mất bình tĩnh sẽ đầy con vào khủng hoảng nặng nề hơn. Thực tế, nhiều em lâm vào tình trạng quá bế tắc hoảng sợ đã có những hành vi dại dột như bỏ nhà đi, uống thuốc tự vẫn... Người mẹ hãy là chỗ dựa tinh thần cho con, tạo được sự tin cậy, giúp con vượt qua nỗi đau và mặc cảm. Khi đã tạo được tâm lý bình ổn cho con, người mẹ cần đưa con đến những cơ sở y tế đáng tin cậy để bác sĩ có hình thức can thiệp kịp thời và hạn chế những di chứng về sau.

Theo Phụ Nữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang Những điều nhỏ bé, rất hân hạnh được đọc những lời chia sẻ chân tình của bạn. Chúc bạn luôn thành đạt và hạnh phúc trong cuộc sống.