Lễ vật bên đời

Mùa hạ ở Kon Kring bắt đầu bằng một trận mưa giông xum xuê, sau những tiếng sấm đầu nguồn bạo liệt. Chỉ một trận mưa mà suối khe, các gộp đá tung bọt trắng, tôm càng và cua đá tở mở chào đón cuộc giao hòa dịu mát của đất trời. Út Nhân ban nãy chạy ùa vào rừng thẳm, giờ đột ngột xuất hiện bên kia rặng bồ quân, cười giòn giã:

Tối nay mình chiêu đãi cả làng!

Rồi cô nhanh chóng thả mình xuống làn nước, hai tay vốc lên, mỗi lần năm bảy con cá suối bằng chiếc đầu tăm, lung linh mầu ngũ sắc, cho chúng ríu ran trườn qua vai, ngụp xuống trồi lên như trẻ thơ chơi trò dã tràng xe cát. Cô tiếp tục thả thêm sự sôi động vào gió nước tưng bừng:

Thầy lôi cổ giùm ông Lăng xuống phụ em bắt cá!

Út Nhân vẫn là Út Nhân thời xưa cũ, nét hồn nhiên tinh nghịch không thể nào chìm khuất qua rất nhiều năm tháng. Lăng thì cũng không thay đổi mấy, trừ mái tóc lốm đốm, còn lại là sự đa cảm và rụt rè như hồi chưa vợ, đỏ mặt lúng búng giả vờ không nghe thấy. Ấy vậy mà đã ngót ba mươi mùa hạ đi qua rồi. Hồi ấy, tôi vừa ở rừng về, cấp tốc được phân công phụ trách một phòng trào có cái tên nghe rất oách "Chiến dịch đưa ánh sáng văn hóa về buôn làng”. Tôi tổ chức cho cả thị trấn vận động thanh niên địa phưong có trình độ đi dạy các lớp bình dân học vụ ban đêm trên núi, trong đó Út Nhân và Lăng đứng chân ở Kong Kring xa xôi này. Út Nhân lúc đó vừa sắp tú tài bán, ở Đà Lạt về thăm ngoại, còn Lăng là sinh viên Sài Gòn, nghỉ học từ sau giải phóng. Tôi thao thao bất tuyệt tập huấn cho họ về một số kỹ năng sư phạm, trong đó có một chuyên đề về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, để khi dạy học, họ đỡ bỡ ngỡ. Giữa hàng chục người tình nguyện nhận sự điều động, Út Nhân nhìn tôi hơi nghi hoặc có lẽ vì cái bộ dạng tôi có vẻ nửa dân sự nửa quân sự, cả quần áo lẫn tác phong. Tôi bị thuyết phục bởi một tính cách có vẻ cương nghị, hơi thoáng một chút gì u uẩn toát ra từ ánh mắt cô bé, khi cô bạo dạn:

Em đề nghị rằng tối nay đích thân thầy đưa em và anh Lăng vào ra mắt bà con.

Từ thị trấn vào, mất khoảng gần hai chục cây số, già nửa là đường núi gập ghềnh. Khi trèo được qua các bậc đá để đến bờ con suốt này, Lăng ngã vật ra bảo:

Thôi rồi, hai chân đã rụng khỏi người.

Út Nhân đang mệt cũng phải bật cười:

Đến rồi anh Lăng ơi, rụng chân gửi suối giữ giùm.

Xa xa, tiếng chiêng đã nổi lên. Cách một quãng rừng, phía hạ nguồn con suối, bên triền thung lũng, bà con đang chuẩn bị đón các thầy cô giáo.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn mường tượng rõ tiếng chào hỏi rộn rịp chân chất của dân làng Kon Kring và cuộc vui ăn cá suối nướng, uống rượu ghè trong nhà rông. Út Nhân và Lăng ban đầu có ngỡ ngàng một tí nhưng rồi nhanh chóng hòa nhập ngay trong các nghi lễ vừa trang nghiêm vừa thân mật của người vùng cao. Nghe bok Đăm mở đầu cuộc hát kể sử thi, tất cả chúng tôi đều rưng rưng hồi hộp với bản khan hơamon về chàng dũng sĩ biết bay, mỗi chớp mắt là một hừng đông, đi cứu người tình bị nạn trong hẻm đá. Tiếng mang tác. Tiếng vượn đầu non kêu lảnh lói. Tất cả dội vào cách đá mờ xa, vừa man dại vừa ấm áp. Trận mưa giữa rừng khuya như tăng thêm vẻ nồng nàn của bếp lửa. Đêm trôi qua, một đêm sau chiến tranh, dào dạt và đa cảm. Tôi rưng rưng nước mắt cảm nhận tất cả nỗi hoan hỉ của sự yên bình, có thể ngửi thấy được, sờ thấy được, từ nụ cười của dân làng dưới mái nhà rông cho đến những âm thanh vừa quen vừa lạ ngoài rừng khuya, cả trên đỉnh nóc trời.

Mùa hạ ấn tượng sẽ lưu lại trong ký ức Út Nhân bao lâu nữa từ cái đêm huyền thoại ấy. Tôi còn nhớ, khi ấy cô bé lóng ngóng cảm động nhón cốm trên tay, đưa lên mũi hít mùi thơm nếp rẫy, mấp môi theo tiếng hát kể của già làng, lúc mãnh liệt hùng tráng, lúc trữ tình trong vắt. Cô đã thức cho đến khi mưa tạnh, vầng trăng đầu tháng nhô lên phía trên vòm cây ké nơi bến nước đầu làng, hoan hỉ đáp ứng tiếng nói trầm trầm của pá Siu, thôn trưởng: "Hôm nay, bà con chơi cho đến sáng". Út Nhân liến thoắng cho nước suối vào ghè rượu rồi bẹo tai Lăng đang ngoẹo cổ ngủ bên gốc cột: “Nam nhi chi chí đừng ngủ khi cuộc vui chưa tan”.

Cứ thế, suốt cả mùa hạ năm 1975 đáng nhớ ấy, mỗi tháng tôi lên làng một vài bận, mang theo ít gạo mắm và sách báo, chứng kiến cả quãng thời gian say mê của Út Nhân với gió suối trăng rừng, với cuộc đi tìm những giá trị mới của bản thân bằng cách "sơn dã hóa nữ sinh đô thị" như tâm sự của cô. Tôi có bụng mừng vì cô tự nhiên như con sóc con nai, vui tươi nhí nhảnh giữa cuộc sống gian khổ và mới lạ. Có lẽ, mỗi ngày trái tim của tuổi trẻ phố phường thêm một lần được thâu nạp những buồn vui của đời sống đại ngàn nên sự linh động vốn có của cô được khắc thêm những đường nét mới. Tôi nhiều lần ngồi với Út Nhân bên bến nước này, lắng nghe những câu chuyện thân tình của một cô gái tuổi trăng tròn, mồ côi mẹ. Một lần, Út Nhân tha thiết:

Giá như thầy là mẹ của em!

Mẹ cô là một đồng nghiệp khả kính hồi tôi còn đi dạy ở Trường Bồ Đề đầu những năm bảy mươi. Chị dạy Triết, tôi dạy Anh Văn, thỉnh thoảng trao đổi cho nhau một vài quyển sách mới, dịch hộ cho nhau vài thuật ngữ chuyên môn. Ba Nhân làm kỹ sư công chánh, bôn ba ở Cao nguyên Trung Phần. Thời chiến, gian nguy khó lường, chị gửi con ở với nội trên Đà Lạt rồi về thị trấn quê nhà dạy trung học. Năm 1972, giải phóng toàn huyện, tôi lên rừng, còn chị thì mất tích trong cuộc di tản.

Tôi hiểu, khi thốt lên những lời như vậy, Út Nhân đã không còn xa lạ với dân trí thức "nhảy núi" chúng tôi. Mới hôm qua, Út Nhân còn nhìn tôi với ánh mắt u ẩn rồi nói thẳng:

Em rất giận ông cậu, làm gì mới tập kết về, cả nhà chưa hết niềm vui sum họp, đã đùng đùng đem cả tủ sách của ngoại ra nộp cho đội du kích phường “chống văn hóa phẩm ru ngủ, phản động, đồi trụy”.

Mấy năm vừa qua, tôi cơ hồ quên với sự bộc bạch kiểu này nên ngượng ngịu dỗ dành:

Em nên thông cảm công cuộc xây dựng cơ ngơi mới còn thiếu kinh nghiệm. Cái gì sai rồi sẽ sửa.

Cô lặng chìm trong dịu dàng xa xôi:

Thầy biết không, khi mẹ em không còn trên đời này nữa, ba năm thì mười họa mới về thăm, em đã sống cùng thế gian này không cô đơn là nhờ tủ sách đó. Đó là Platon, Aristote, Alexandre de Rhodes, Friedrich Hegel, Hemingway… Rồi cả Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử, Bách Gia Chư Tử…

Tôi khẳng định một cách kiên quyết:

Nhất thiết, tất cả kho tàng văn hóa của nhân loại sẽ được tái bản một cách nghiêm túc.

Út Nhân đột nhiên gay gắt:

Nhưng đó là kỷ vật của mẹ em!

Đến đó, Út Nhân ôm vai tôi khóc nấc lên. Lòng tôi chợt dịu đằm lại trong những kỷ niệm xa vời của nhiều năm trước, bên khung trời trường xưa lớp cũ với những đồng nghiệp thân thiết của quãng đời trai trẻ. Quả nhiên, ký ức đã không phụ tôi. Tôi hứa với Út Nhân:

Ngày mai, tôi sẽ cố gắng bù cho em toại nguyện phần nào.

Tôi về thị trấn ngay trong đêm đó, lục tìm quyển "Nghệ thuật thi ca" của Ph. Aristote có chữ ký tặng của mẹ Út Nhân và một cuốn lưu bút bằng bàn tay, có dán ảnh chúng tôi đứng chung trong tập thể hội đồng giáo sư Bồ Đề, giữa vườn dừa, nhân một trại hè. Sáng hôm sau, tôi tức tốc mang vào Kon Kring.

Út Nhân hú gọi Tó, một thanh niên người dân tộc, là học trò tiêu biểu trong lớp bình dân học vụ của cô. Anh đến rất nhanh mang theo một ít gừng tươi giã nhỏ. Út Nhân bảo: "Em sẽ săn sóc cho thầy, chân thầy đã sưng tấy lên kìa!". Tôi ở lại tháng cuối cùng, chứng kiến cảnh những người vài ba chục tuổi, tối tối đốt đuốc lồ ô sáng rực cả một quãng núi, đến nhà rông học tập. Út Nhân cầm tay các mí, các pá, nắn nót những chữ a, b, c… Giọng cô trong trẻo:

Kờ ơ kơ, en nờ I ni, I a ia là nia…, cây kơ-nia ở đầu làng Kon Kring đó!

Tó còn trẻ nên tỏ vẻ lanh lợi, cất lên:

Buổi sáng em lên rẫy, thấy bóng cây kơ-nia, bóng ngả che ngực em, về nhớ anh không ngủ…

Pá Siu vẫn thường ra ngồi đầu hồi hút thuốc, đôn đốc mọi người học, nói vọng lên:

Đề nghị trò Tó giữ nghiêm túc, giữa lớp học không được hát!

Tó bẽn lẽn:

Em xin lỗi cô Nhân, xin lỗi thầy Lăng…

Tó chính là người hằng đêm, sau khi học xong, dịch khan hơamon cho Út Nhân và Lăng. Bản sử thi dài lắm, nghe nói dài từ khi trỉa hạt bắp xuống đất đến khi trổ trái nướng ăn mới hết. Mỗi đêm được bok Đăm già làng hát kể một đoạn.

Bữa cơm trưa ngày cuối cùng, cơm gạo ba-rưng, lúa trỉa, hạt đỏ rưng rức như ngọc châu, xới lên thơm phưng phức ăn với canh cải cay và món rau ranh chấm mắm ruột cá niên. Đây là các món mà Út Nhân thực hiện với sự hợp tác của Tó và Lăng, chiêu đãi tôi, thoạt nhìn đã thấy ngon. Để có bữa cơm này, Út Nhân liến thoắng điều khiển Lăng tíu tít:

Anh bừa củi giúp em! Bửa xong vào nhúm lửa. Bắc ấm nước lên trước bỏ chè tươi nhiều nhiều vô!

Rồi cô rối rít:

Anh lặt rau mang ra suối rửa! Nhớ lên chỗ đầu nguồn, lựa phía con nước chảy mạnh mạnh đó!

Tôi bảo để tôi giúp một tay. Út Nhân cong cớn nhìn về phía Lăng:

Nếu anh có ý định để thầy giáo làm sao không bàn trước một tiếng, em và anh ngồi uống chè với nhau cũng được!

Lăng giấu một nụ cười tồi tội sau ống tay áo gạt mồ hôi, lút cút thực hiện mọi yêu cầu của Út Nhân. Sau hồi lâu suy nghĩ, Lăng mới pha trò:

Thầy đừng mó tay vào kẻo làm hại đến uy tín kẻ sĩ của em!

Thầy biết không, trên này ảnh hết rủa em là nữ quái đến thím ong mật, mợ ve rền! Út Nhân ta thán.

Lăng gắng sức lắm để đáp từ một câu ý nghĩa:

“Con kiến đen huyền bí” có sức mạnh vô biên!

Hết cãi nổi lại chê nhau cái nước da! Trời xanh ơi có thấu lòng kẻ sĩ!

Đến nước này thì Lăng chống chế:

Trong khoa học cũng như trong nghệ thuật, con kiến đen chưa bao giờ thôi được tôn vinh!

Câu thuộc lòng chỉ đáng được điểm năm trừ! Số phận của khoa học cũng như nghệ thuật sẽ đoản mệnh nếu gặp sự lặp lại!

Lăng hình như hiểu được tình thế của mình, len lét đi ra rẫy. Lát sau, anh ta mang về một cây ớt xanh trái đỏ chen nhau, nhẹ nhàng đặt xuống mâm cơm. Tó cũng vừa đến, cõng theo một ghè rượu. Út Nhân đỡ lấy những cần rượu, giúp Tó cắm vào ghe. Cô tinh nghịch trêu:

Kẻ mời rượu cả ghè, người mời ớt cả cây. Sao chưa ai mang cho ta voi chín ngà gà chín cựa, ngựa chín hồng mao…

Thú thật, lúc đó tôi cũng lờ mờ nhận thấy một điều gì bí ẩn, rất khó mô tả giữa những người tuổi trẻ nhưng rồi bữa cơm trở thành mở màn cho cuộc tiễn biệt, thỉnh thoảng một vài người vào vít cần mời nên chìm dần trong hơi men, không còn để ý gì nữa. Từ bữa cơm trưa cho đến chiều tối, lần lượt qua tiếng gọi í ới, người cõng mít, người gùi sắn, người địu rượu về nhà rông. Khi màn đêm buông xuống, tiếng chiêng trống nổi lên tưng bừng và già làng chủ trì môt cuộc chia tay kéo dài cho đến khi tiếng gà rừng gáy trên triền núi Cà Tang. Những vệt mây hửng gấp gấp bay.

Bây giờ, cơn mưa rừng vừa tạnh, tiếng ríu rít của Út Nhân vẫn cứ trong trẻo và vang như thuở nào trên đường xuống bờ đập Hóc Yang. Mỗi bước đi, chúng tôi một ngỡ ngàng với cảnh vật. Làng Kon Kring nồng đượm của chúng tôi giờ chỉ còn vang bóng trên mặt hồ rộng ngờm ngợp với làn nước thẳm xanh như một nỗi đợi chờ hoang hoải. Chúng tôi dừng lại hỏi chuyện một người đang xách súng đi từ dưới thuyền lên, anh cho biết làng đã được di dời mười năm có lẻ, cách đây quãng nửa ngày đường. Thực ra, tôi ở trong tỉnh này cũng có nghe phong thanh việc xây dựng hồ Hóc Yang, nhưng công việc quấn lấy tháng ngày, dễ đã mấy chục năm dư, chưa ai đặt chân về chốn cũ. Vài tiếng chim kêu thảng thốt phía chân mây đang ửng lên bảy sắc cầu vồng, dội lại những âm thanh diệu vợi lan trên những vòng sóng lăn tăn. Út Nhân cất tiếng, không biết nói về tiếng chim hay nói về cảnh huống chúng tôi hiện tại:

Chim phượng hoàng bay đi tìm rừng tùng cổ tích!

Lăng mơ màng:

Chim phượng hoàng?

Đó là một kẻ cho tiếng mà ít cho hình.

Hình như Út Nhân cũng quá trường trải với cuộc đổi thay. Cô bóp trán, mắt nhắm lại giây lát. Mới vừa chớp chớp như sắp sửa khóc, cô đã trấn tĩnh trổ tài điều khiển Lăng như ba mươi năm trước, thuê một chiếc thuyền nan chèo ra giữa dòng. Thấy Út Nhân hý hoáy định buộc thuyền vào một chiếc vó tre cất giữa dòng, Lăng ngửa mặt lên trời buông một lời có cánh:

Bà này đang giải quyết mối quan hệ của hai khái niệm tự do và ràng buộc!

Nhân còn chìm trong hồi tưởng:

Làng cũ ở bên dưới gọng vó này!

Rồi cô ngước lên vầng da chiều đỏ ối:

Chuyện xưa còn mãi trên mây cao! Em không quên được thầy, quên được anh Lăng…

Lăng như sống lại cảnh ngộ ba mươi năm trước:

Và bữa cơm con gái vua Hùng…

Út Nhân vụt miệng:

Không, con kiến đen huyền bí!

Lăng nhanh nhẩu:

Kẻ tiện sĩ xin đa tạ ghi nhận của công nương dù đã quá muộn mằn!

Thời gian không bỏ rơi ai, trừ những người vung vãi nó.

Sau đợt công tác ở Kon Kring, Út Nhân về ở nơi ngoại mấy tuần nữa. Hồi đầu hạ, từ Đà Lạt về, cô đã có ý định hồi hương học tiếp ở trường trung học thị trấn. Thế nhưng, cơ sự lại không được như ý. Sau đợt dạy bình dân học vụ, những tưởng Út Nhân sẽ rất vui vẻ đón chào quãng đời mới tươi đẹp ở quê nhà, nào ngờ tai vạ giáng xuống đầu cô, gây một cú sốc khủng khiếp. Không biết từ đâu xuất hiện một cái tin đồn kín kín hở hở là mẹ Út Nhân bị cách mạng trừng trị năm 1972 vì tội làm thông ngôn cho địch. Cái thị trấn nhỏ như lòng bàn tay bỗng chốc lại nóng lên. Bức xúc quá, tôi hỏi một vài người có trách nhiệm, kẻ bảo ông nọ bà kia của ta đã xác nhận, người nói một cách bí hiểm rằng có hồ sơ lưu của Mỹ nguỵ. Vì tương lai của Út Nhân, chính tôi đã viết một bức thư hết sức tỉ mỉ gửi cho huyện trình bày về nhân thân của mẹ Út Nhân. Thư tôi biết khoảng năm trang giấy, ngoài những ấn tượng đẹp với người đồng nghiệp cũ, trong đó có kể về cuộc giao thiệp với bọn Mỹ để thả những lương dân, chúng chở về bằng trực thăng nhốt ở chi khu, sau đợt càn quét vùng giáp ranh. Tôi bảo do chính tôi đã chủ trương việc này, vì hồi ấy chỉ có tôi và mẹ Út Nhân là người địa phương thông thạo Anh ngữ, công khai kiến nghị với bọn chỉ huy Mỹ. Sự thực thì công việc ấy mang lại kết quả, có lợi cho cách mạng vì toàn bộ những đồng bào cơ sở đã được phóng thích. Tôi đã từng báo cáo việc này cho ông bác của Lăng, lúc ấy là cơ sở đầu mối các hoạt động ở thị trấn. Còn việc mẹ Út Nhân mất tích năm 1972 thì không dính dáng gì đến việc trước. Cuộc chiến tranh khủng khiếp luôn có những ngẫu hứng tàn bạo trên mọi số phận con người.

Phải nói, trong đời sống có những việc thật không lường hết được. Tôi gấp rút được cử đi học một khóa bồi dưỡng cán bộ quản lý dài hạn ngoài Hà Nội. Nếu đàng hoàng ra, tiêu chuẩn đi học là của cốt cán chứ tôi có nằm mơ cũng vài ba năm nữa mới tới lượt. Nhưng chẳng hiểu sao, ban tổ chức huyện đánh quyết định gấp rút dành cho tôi. Trước khi đi, ông bác của Lăng có gặp tôi thật hớn hở: “Chúc đồng chí có nhiều tiến bộ sau này về góp phần xây dựng quê hương". Rồi ông cười nụ cười thật khó hiểu.

Tôi còn nhớ thời gian đó, Lăng bươn bả đi tìm Út Nhân trên Đà Lạt nhưng không gặp được. Nghe nói, Nhân đã chuyển vào đồng bằng sông Cửu Long với ba. Trên đường về, Lăng có gặp tôi, than thở. Tôi hết sức bất ngờ và chắp nối các mẩu chuyện lại với nhau. Tôi khuyên Lăng thôi thì tìm cách nối lại sự học bị đứt đoạn, các chuyện khác cứ từ từ, thời gian sẽ trả lời cho mọi nỗ lực.

Trên đường lên tàu ra Bắc, tôi đã lờ mờ nhận thấy uẩn khúc của câu chuyện hình như có một rắp tâm nào đó, từ ông bác của Lăng. Tôi nghiệm ra rằng mọi sự nhiêu khê, từ vụ phao tin đồn nhàm đến việc ly gián tôi một thời gian, tất cả đều nảy sinh từ chuyện ai đó kiên quyết không để Lăng giao thiệp với Út Nhân, thế thôi. Tôi đã có ý định một lúc nào đó, gặp lại cả Lăng và Út Nhân, sẽ nói với hai người những lời có ý nghĩa và tích cực hơn đối với đời sống của họ. Nhưng rồi cuộc sống xô đẩy chúng tôi ra ba chân trời xa lạ, những người bạn mới, môi trường mới, tương lai mới. Quê hương nằm trong ký ức như một mảnh trăng đầy, lặng lẽ sáng ở những góc sâu kỷ niệm. Tôi về tỉnh. Lăng thì bỏ ý định ở lại thị trấn xin việc, tiếp tục tìm đường nối lại mộng ước khoa học, tốt nghiệp ở lại giảng dạy ở một trường đại học tỉnh bạn. Còn Út Nhân thì biệt vô âm tín. Sau đó, chúng tôi được nghe danh cô trên báo, sang làm nghiên cứu sinh bên Pháp, trở thành nhà khoa học về năng lượng mặt trời. Thế là lặng lẽ mừng.

Lăng bộc bạch như trong mơ:

Thực ra, tôi chỉ là mẫu người tận tụy mà Nhân lại hết sức lãng mạn…

Nói thật với thầy và anh Lăng, không lãng mạn được thì em chết mất.

Lăng như tự vấn:

Cả một lề thói cũ tưởng trôi theo rêu rác, lại núp bóng cái mới úp chụp xuống đầu em.

Tôi đồng tình:

Gọi là gì nhỉ? Nhân danh… Ờ, nhân danh cái này, cái nọ để làm điều khuất tất thì thời nào cũng có. Nhưng các em ơi, dẫu sao chúng ta cũng phải…

Cảm ơn ngàn lần quê hương đã rèn luyện cho em và ông Lăng biết đứng dậy mà đi- Nhân tiếp lời tôi như một hồi chuông - Ở một ngôi làng nhỏ, em đã tiếp nhận những bài học lớn.

Lăng cười thành tiếng:

Đi một mạch ba mươi năm ta gặp lại mình!

Cuộc gặp gỡ của chúng tôi là do Út Nhân chủ động đứng ra tổ chức. Nhân huyện mời đại biểu là các nhà khoa học con em địa phương về hội thảo "quê hương trên đường phát triển”, Út Nhân về thăm quê với dự án lắp thiết bị dùng điện năng lượng mặt trời cho bà con dân tộc. Còn Lăng thì dự định giúp cho việc đào tạo con em miền núi về công nghệ thông tin. Út Nhân và Lăng gặp nhau trên tỉnh, cả hai tung tăng đến thăm tôi. Tôi chưa hết ngỡ ngàng trước cuộc trùng phùng thì Út Nhân đề nghị trước khi về huyện, chúng tôi phải hành hương về Kon Kring, coi như ôn lại kỷ niệm cũ.

Út Nhân trên bốn mươi mà vẫn trẻ trung, linh hoạt, tự lái chiếc Mercedes đen bóng đưa chúng tôi đi. Thấy hai bạn trẻ, bạn nào cũng chững chạc, tự tin, đầy sức sống, tôi mừng cho người quê nhà thành đạt nơi xa xứ. Sớm nay, Lăng đã trêu Út Nhân:

Hồi bà lấy tôi thì chỉ chồng cán bộ xã, vợ nội trợ.

Út Nhân bảo Lăng:

Đằng nào cũng nên về viếng mộ ông bác của anh.

Rồi cô nói với tôi:

Thầy còn nhớ thầy đã cho em kỷ vật của mẹ em. Bao nhiêu ngày trong rừng, em và anh Lăng cố gắng tìm hiểu những nguyên lý cao xa của những khái niệm mỗi đời người.

Cô tiếp tục hồi tưởng:

Ở Kon Kring, chúng em còn học được những phép lạ của đời sống. Em và anh Lăng đã từng nhặt mỗi người một hòn sỏi trắng bên suối làm kỷ niệm. Em đã giữ đến bây giờ, mỗi khi thiếu dũng khí, em đã bóp chặt nó trong lòng tay.

Tôi vụt miệng:

Không có những kỷ niệm giản đơn như vậy, làm sao Út Nhân đam mê lấy lửa từ mặt trời.

Chúng tôi thanh thản ngắm những làn mây trắng sà vào lòng hồ Hóc Yang. Hình như sự yên lặng dịu dàng đã kết nối chúng tôi với trời và đất.


Nguyễn Thanh Mừng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang Những điều nhỏ bé, rất hân hạnh được đọc những lời chia sẻ chân tình của bạn. Chúc bạn luôn thành đạt và hạnh phúc trong cuộc sống.