Điều cần làm sau khi lên chức

Chưa kịp hết ngây ngất với niềm vui được thăng chức, bạn đã bắt đầu cảm thấy hình như đó không phải là một phần thưởng ngọt ngào như đã tưởng tượng. Bạn bối rối không biết bắt đầu từ đâu, phải đối xử với đồng nghiệp nay là nhân viên như thế nào?

Tình trạng này xảy ra với khá nhiều nhà quản lý trẻ. Tuy nhiên, không cần quá lo lắng vì hầu hết các nhà quản lý giỏi đều rèn luyện kỹ năng và phẩm chất lãnh đạo qua thực tiễn. Các chuyên gia tư vấn nhân sự đưa ra một số gợi ý giúp các nhà quản lý trẻ vượt qua khó khăn ban đầu.

Không làm những việc có thể giao cho nhân viên

Điều thứ nhất cần nhớ bạn được thăng chức là để lãnh đạo, và nhiệm vụ của bạn không phải là thực hiện các công việc dành cho nhân viên. Nhiệm vụ của bạn là cung cấp cho nhân viên các công cụ, đường lối và động lực cần thiết để họ thực hiện tốt công việc của mình. Nói một cách khác, bạn quản lý quá trình công việc chứ không làm nội dung công việc.

Công việc thực sự của các lãnh đạo gồm các chương trình nghị sự và các luồng thông tin về tiến trình và kết quả công việc. Thực tế cho thấy có quá nhiều nhà quản lý cố gắng kiểm soát mọi chi tiết công việc, tự coi mình là người thực hiện công việc và điều đó đã vô tình khuyến khích nhân viên trở nên ít trách nhiệm hơn đối với công việc.

Đừng quên yếu tố giúp bạn thăng chức

Trở thành lãnh đạo là một sự thay đổi lớn lao trong công việc. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải thay đổi con người mình. Có lẽ do e ngại các đồng nghiệp cũ không đủ tôn trọng và nghe lời mình, rất nhiều nhà quản lý tự buộc mình phải trải qua quá trình lột xác, từ chỗ là một đồng đội trở thành vị tướng chỉ huy. Tuy nhiên, bạn nên thận trọng vì mọi người muốn bạn là chính bạn. Việc bạn phải làm là tìm hiểu cá nhân từng người, làm công việc trở nên thú vị thay vì thay đổi con người mình.

Không ai thích người "biết tuốt"

Những lãnh đạo giỏi là người có niềm tin vô hạn vào nhân viên giỏi của mình và hiểu rõ những hạn chế của bản thân. Những nhà lãnh đạo giỏi "ngộ ra" một thực tế mà quá nhiều đồng sự của họ bỏ qua: các nhân viên biết nhiều hơn họ. Ngay cả khi các nhân viên tìm đến sếp của mình để xin chỉ dẫn, thì các nhà quản lý vẫn phải tìm đến nhân viên để có thêm kiến thức.

Vì thế, không cần phải tỏ ra hiểu biết hơn về các lĩnh vực mà thực ra nhân viên hiểu rõ hơn bạn. Điều đó chỉ tăng thêm khả năng thất bại của bạn. Hãy để nhân viên của bạn hiểu rằng ai cũng có vai trò riêng của mình. Công việc của bạn chỉ là sắp xếp mọi việc vào với nhau. Còn họ mới là các chuyên gia.

Lãnh đạo các cá nhân, không phải tập thể

Nhà quản lý không lãnh đạo một đội ngũ. Họ lãnh đạo một tập hợp các cá nhân tạo nên một đội ngũ. Mỗi thành viên trong nhóm sẽ có những điểm mạnh, điểm yếu và ưu điểm công việc khác nhau. không một ai có thể buộc cả nhóm làm việc với nhau mà không biết trước làm việc với từng người như thế nào. Do đó, đã có người ví lãnh đạo như một môn thể thao đối kháng.

Giới hạn sự tham gia của nhân viên?

Cho phép tham gia ý kiến là một cách để khuyến khích động cơ làm việc của nhân viên. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là ai sẽ được phép tham gia vào vấn đề gì, mức độ tham gia thế nào là đủ và trong bao lâu?

Tổ chức thảo luận trưng cầu ý kiến để đảm bảo tính dân chủ và sự thống nhất về nội dung và ưu tiên công việc, nhưng người ra quyết định cuối cùng phải là bạn. Để tránh xảy ra các cuộc tranh luận kéo dài không kết quả, hãy ghi lại các ý kiến và gợi ý của nhân viên, tham khảo ý kiến ý kiến cấp trên và thực hiện chúng.

Lúc đầu, bạn có thể cảm thấy trở thành quản lý là một gánh nặng nhiều hơn là một phần thưởng. Tuy nhiên bạn cần phải chấp nhận thực tế đó. Phần thưởng không đến ngay lập tức nhưng nó sẽ đến cùng với những nỗ lực của bạn.

(sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang Những điều nhỏ bé, rất hân hạnh được đọc những lời chia sẻ chân tình của bạn. Chúc bạn luôn thành đạt và hạnh phúc trong cuộc sống.