Bà huyện Thanh Quan

Ở thế kỉ 19, tại phường Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận (gần hồ Tây - Hà Nội) có cô Nguyễn Thị Hinh nổi tiếng là hay chữ, là học trò của danh sĩ Phạm Quý Thích (1760 - 1825). Ngoài những bài thơ làm theo thể Đường luật mà lời lẽ trang nhã, ý tứ cổ kính mang nặng sự hoài cảm đối với quá khứ, đời sau còn nhớ đến bà qua những giai thoại gắn liền với mối tình đầu. Bà kết duyên trăm năm với ông Lưu Nguyên Ôn (tức Lưu Nghi) sinh năm 1804 tại thôn Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ông Lưu Nguyên Ôn đậu cử nhân năm 1821, từng giữ chức tri huyện Thanh Quan (nay huyện Thái Ninh, tỉnh Thái Bình). Do đó khi về làm dâu dòng họ Lưu, mọi người quen gọi bà là bà huyện Thanh Quan.

Tương truyền bà huyện Thanh Quan là người có nhan sắc, hóm hỉnh và cũng thích đùa nghịch. Lần nọ, ông Ôn đi vắng, bà ra công đường để nhận đơn từ thay cho chồng. Người đưa đơn lần đó là cô Nguyễn Thị Đào, xin được li dị người chồng rượu chè, đối xử tệ bạc với vợ con. Đọc qua đơn, cảm thương cho số phận người phụ nữ, không cần xét hỏi gì thêm bà liền cầm bút phê:

Phó cho con Nguyễn Thị Đào
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai
Chữ rằng: xuân bất tái lai
Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già!

Căn cứ vào những dòng thơ lục bát này, Thị Đào về lấy chồng khác. Anh chồng ức quá kiện lên quan huyện. Ông Ôn biết chuyện trái khoáy này, la rầy bà dữ lắm. Tuy thế, bà cũng không bỏ tính đùa nghịch. Lần khác, có thư sinh mới thi đậu Cống hương, đệ đơn xin mổ trâu để ăn khao trả nợ làng. Nhưng đang mùa cày cấy nên địa phương không cho sát sinh. Dù biết lệ này, nhưng vốn là nhà thơ lại có ý nể vị cử tân khoa nên sau giây lát ngẫm nghĩ, bà tủm tĩm cười và đặt bút phê:

Người ta thì chẳng được đâu
Ừ thì ông Cống làm trâu thì làm

Ông cử tân khoa cầm đơn mà dở khóc, dở cười vì "làm trâu" có thể hiểu là mổ trâu, nhưng cũng có thể hiểu là "muốn làm thân trâu bò" thì làm! Trong thời gian sống với bà huyện Thanh Quan, ông Ôn có lần bị giáng chức, không rõ có phải vì đã để cho vợ phê vào đơn từ của dân như đã kể trên? Về sau, ông Ôn được vời về triều đình, được nhà vua phong tước Lang Trung. Bà huyên Thanh Quan cũng được vời vào kinh làm chức Cung trung giáo tập, dạy các công chúa và cung phi. Những chi tiết xác thực này cho thấy bà huyện Thanh Quan đương thời đã là người nổi tiếng hay chữ. Có thể chuyện này xảy ra vào những năm sau năm 1847 - năm mất của ông Lưu Nguyên Ôn. Do đó, khi qua Đèo Ngang lúc bóng xế tà, bà mới buột miệng thở dài:

Dừng chân đứng lại: trời, non, nước
Một mảnh tình riêng ta với ta

Hoặc trong cảnh Chiều hôm nhớ nhà, chúng ta cũng bắt gặp ở hồn thơ này 1 tâm hồn cô đơn và lẻ loi:

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn

Tương truyền khi về làm Cung trung giáo tập dưới triều Nguyễn, bà vẫn giữ tính hóm hỉnh mà thông minh, sâu sắc. Lần nọ, vua Minh Mạng cao hứng đem khoe bộ chén quí, mọi người yêu cầu bà huyện Thanh Quan có thơ để ca ngợi. Không 1 chút chần chừ, bà ứng khẩu đọc:

Như in thảo mộc trời Nam lại
Đem cả sơn hà đất Bắc sang.

Vua Minh Mạng khen thơ hay. Đang vui, nhà vua phóng bút viết hai chữ "Phúc Thọ", rồi quay sang hỏi bà chữ viết có đẹp không? Bà cung kính đáp:

- Bẩm!:
Phúc tối hậu,
Thọ tối trường.

Nghe xong, nhà vua bật cười, thì ra chữ phúc dày trong béo phục phịch vì viết bằng nét lớn, còn chữ thọ thì kéo dài quá nên cao lêu nghêu! Té ra, bà Cung trung giáo tập chê nhà vua viết chữ quá...xấu, nhưng chê thật khéo nhưng nhà vua không nỡ...giận! Sau khi ông Ôn về suối vàng bà vẫn ở vậy nuôi con. Dù là 1 nữ thi sĩ nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam giai đoạn cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn không rõ năm sinh và năm mất của bà.

Bà Huyện Thanh Quan là một nữ sĩ có tiếng tăm trên lĩnh vực văn học dân tộc ta ở nửa đầu thế kỷ 19.


Thăng Long hoài cổ

Tạo hoá gay chi cuộc hí trường

Đến nay thấm thoát mấy tinh sương

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt

Nước còn chau mặt với tang thương

Nghìn năm gương cũ soi kim cổ

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

(sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang Những điều nhỏ bé, rất hân hạnh được đọc những lời chia sẻ chân tình của bạn. Chúc bạn luôn thành đạt và hạnh phúc trong cuộc sống.